Ferdinand Porsche : Thời điểm bắt đầu
Đó là do ông đã loại bỏ đi hộp số, dây đai và xích từ đó giảm thiểu tổn thất do ma sát.
Mỗi câu chuyện tuyệt với nhất lại là sự tổng hợp của những khoảnh khắc cá nhân tuyệt vời. Và câu chuyện của Ferdinand Porsche cũng không phải ngoại lệ.
1900: Thời điểm bắt đầu
Triển lãm Thế giới lần thứ 5 được diễn ra vào năm 1900 là sự kiện lớn nhất và hoành tráng nhất được tổ chức tại Paris, Pháp. Một khu vực gồm hơn 200 ha nằm ở trung tâm của Metropolis giữa cung điện lớn Grand Palais và vòng đu quay khổng lồ. Tại đây là nơi trưng bày “Những thành tựu của một thế kỷ” với sự góp mặt của hơn 75.000 đơn vị tham gia mang tới tất cả mọi thứ hiện đại và thú vị nhất vào thời điểm đó. Ferdinand Porsche cũng đi đến Paris để tham dự triển lãm cùng với ông chủ của mình là Ludwig Lohner – một thợ chế tạo xe người Áo.
Ferdinand Porsche trên chiếc Lohner Porsche 1903
Ngược dòng thời gian, vào năm 1875, Ferdinand Porsche trào đời và là con thứ 3 trong một gia đình có người cha là thợ gò bậc thầy. Ngay từ nhỏ ông đã cho thấy niềm đam mê mãnh liệt với nghề cơ khí. Ban ngày ông giúp cha mình ở cửa hàng cơ khí và tham gia các lớp học tại trường kỹ thuật Hoàng gia ở Reichenberg. Thậm chí, ông còn dành nhiều tháng chỉ ở nhà xưởng, miệt mài trong các thiết kế của mình và làm việc không ngừng nghỉ với động cơ điện, pin axit và moay-ơ bánh xe.
Năm 18 tuổi, nhờ được giới thiệu, ông được nhận vào làm tại một công ty điện Vereinigte Elektrizitäts-AG, Áo. Nhưng chỉ sau 4 năm, ông đã trở thành người đứng đầu bộ phận thử nghiệm nhờ vào thành tích của mình như thiết kế một chiếc xe đạp điện và hệ thống lái cho Ludwig Lohner khi mới chỉ 22 tuổi. Ludwig Lohner nhanh chóng bị cuốn hút bởi nhà thiết kế có tầm nhìn xa như Ferdinand Porsche. Đến năm 1898, Ludwig Lohner giao cho ông chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc xây dựng một cỗ xe ngựa bốn bánh chạy bằng điện.
Trong vòng vỏn vẹn 10 tuần từ những kế hoạch táo bạo của mình, Porsche đã lắp ráp xong một cỗ xe có tên gọi ban đầu là “Lohner Porsche” và được trưng bày tại triển lãm Thế giới 1900 dưới tên gọi Toujours-Contente. Hai động cơ điện được bố trí trực tiếp tại moay-ơ của bánh xe phía để dẫn động. Vậy lý do tại sao Porsche lại có thể tạo ra một hệ thống lái hiệu quả tuyệt vời như vậy? Đó là do ông đã loại bỏ đi hộp số, dây đai và xích từ đó giảm thiểu tổn thất do ma sát.
Trong lĩnh vực ôtô, chiếc “Lohner Porsche”chính là sự đột phá nhất tại triển lãm Thế giới 1900,ngay lập tức đã tạo được tiếng vang lớn. Cả Lohner và Porsche được báo chí ca ngợi là những người mang đến sự độc đáo mới lạ và làm thay đổi cả thời đại. Triển lãm Thế giới 1900 tại Paris cũng chính là nơi đặt nền tảng cho sự xuất hiện chính thức đầu tiên của Ferdinand Porsche.
Khi được hỏi về thiết kế chưa từng có này, Lugwig Lohner đã trả lời rằng: “Anh ấy còn rất trẻ và là một người đàn ông với sự nghiệp vô cùng sáng lạng ở phía trước. Bạn sẽ được nghe về anh ấy nhiều hơn, tên của anh ấy là Ferdinand Porsche”.
1924: Bước ngoặt dành cho Ferdinand Porsche
Cứ vào tháng 5 hàng năm, tại Sicily – hòn đảo lớn của Ý thuộc Địa Trung Hải lại trở nên sôi động, nhất là khu vực bờ biển phía Bắc. Các hãng xe thể thao như Alfa Romeo, Bugatti, Maserati… quy tụ về đây để tham gia cuộc đua danh tiếng nhất thế giới Targa Florio với những chiếc xe màu đỏ lấp lánh.
Daimler-Motoren-Gesellschaft (tên gọi tiền thân của tập đoàn Daimler) đến từ Stuttgart cũng góp mặt với chiếc xe đua Mercedes “Kompressor”. Chiếc xe này sử dụng động cơ I-4 2.0L tăng áp siêu nạp bằng máy nén gắn ở phía trước giúp cho động cơ tạo ra sức mạnh lên tới 94 kW (126 hp). Tên của người thiết kế ra nó không ai khác chính là Ferdinand Porsche.
Tay đua Alfred Neubauer (trái) và Ferdinand Porsche (phải) đứng cạnh chiếc Mercedes “Kompressor” tham gia giải đua Targa Florio năm 1924
Kể từ sau thành công tại triển lãm Thế giới tại Paris, ông bắt đầu đi con đường riêng của mình khi trở thành nhà thiết kế chính cho Austro-Daimler và tiến bước làm giám đốc điều hành vào năm 1916. Đến năm 1923, Porsche đã trở thành người đứng đầu ban thiết kế và là một thành viên trong ban quản lý của tập đoàn Daimler-Motoren-Gesellschaft.
Tại đây, ông không ngừng thử nghiệm các loại động cơ và đặc biệt tập trung vào công nghệ tăng áp. Sau những nỗ lực làm việc chăm chỉ, Ferdinand Porsche cũng đã được đền đáp khi các xe đua Mercedes trang bị động cơ do ông thiết kế đã thống trị giải đua này với 43 chiến thắng trên tổng số 53 cuộc đua.
Đến năm 1924, hiệu suất cao và độ tin cậy của động cơ tăng áp do Ferdinand Porsche thiết kế đã mang lại vị trí cao nhất cho tay đua Christian Wernerở cả hai giải Targa và Coppa Florio khi tay đua này chỉ mất có 6 giờ 32 phút và 37 giây để hoàn thành chặng đua dài 360 km. Đây cũng là khoảng thời gian nhanh nhất mà một tay đua đạt được ở thời điểm đó. Chiến thắng đầu tiên của người Đức tại giải đua huyền thoại Targa đã trở thành một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia.
Chìa khoá cho chiến thắng tại Targa Florio 1924 không ai khác chính là Ferdinand Porsche. Sau khoảnh khắc tuyệt với ấy, đại học ứng dụng công nghệ Stuttgart đã ghi nhận những thiết kế của ông cho Mercedes và trao tăng cho ông hàm vị tiến sĩ danh dự trong ngành kỹ thuật. Cuộc đời của ông tạo bước ngoặt từ đây.
1928: Những thời khắc chuyển đổi
Sau thành công tại giải đua Targa Florio năm 1924, Mercedes tiếp tục tham gia vào giải đua Grand Prix 1926 vẫn với động cơ 2.0L tăng áp do Porsche thiết kế. Trong đó phải kể tới dòng động cơ K 6 xi-lanh cho mô hình xe đua thể thao S (Sport), SS (Super Sport) và đỉnh cao là chiếc Mercedes SSK (Super Sport Kompressor) có lẽ là tạo được tiếng vang nhất nhưng đồng thời đây cũng là mẫu động cơ gây tốn kém nhất mà ông từng chế tạo.
Với những giá trị công nghệ mà Ferdinand Porsche đem lại, tưởng chừng ông sẽ có một công việc và danh tiếng tốt tại Daimler. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Daimler-Motoren-Gesellschaft và Benz & Cie sát nhập thành Daimler-Benz AG vào năm 1926, các sản phẩm chung của họ bắt đầu gọi là Mercedes-Benz. Sự xuất hiện của Hans Nibel – chủ tịch và là thiết kế trưởng của công ty Benz & Cie đã đã làm vị thế của Porsche không còn vững chắc.
Thêm vào đó, ý tưởng của Porsche về một chiếc xe Mercedes-Benz nhỏ nhẹ, chất lượng tốt, hiệu suất cao và được áp dụng công nghệ mới không phù hợp với tiêu chí của hội đồng quản trị. Daimler-Benz muốn tạo ra một chiếc xe giá cả phải chăng hơn với chi phí sản xuất và nghiên cứu thấp. Cuộc xung đột giữa Porsche và hội đồng quản trị ngày càng căng thẳng.
Việc bất đồng quan điểm trong thiết kế xe đã dẫn đến sự rạn nứt quan hệ giữa Ferdinand Porsche và Mercedes-Benz. Đỉnh điểm là quan điểm thiết kế của mẫu Mercedes-Benz Type 8/38
Đến mùa đông năm 1928, sự bất đồng quan điểm liên quan đến việc phát triển mẫu xe cỡ trung Mercedes Benz Type 8/38 đã trở thành một đề tài tranh luận nóng trong suốt các cuộc hội thảo về thiết kế. Kết quả là Ferdinand Porsche từ chức và rời Daimler-Benz khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế bắt đầu bùng phát vào năm 1930. Đó là một khoảnh khắc khó khăn và là một quyết định đầy mạo hiểm.
Vào tháng 4/1931, để tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, Ferdinand Porsche đã quyết định thành lập công ty riêng với tên gọi Dr.Ing hc F. Porsche GmbH tại Stuttgart chuyên thiết kế và dịch vụ tư vấn về động cơ và phương tiện. Bắt đầu từ đây, một thời kỳ mới đã mở ra với Ferdinand Porsche.
Leave a Reply